Đứa trẻ Việt Nam nào cũng mơ về một cái Tết Trung Thu rộn ràng với chiếc đèn lồng được thắp sáng rực rỡ và cái bụng no nê bánh trung thu. Bởi vậy, Tết Trung Thu ở Việt Nam còn được gọi là “Tết thiếu nhi”.
Năm nay, Tết Trung thu sẽ được tổ chức vào ngày 29/09/2023 dương lịch, tức Rằm tháng 8 âm lịch, tuy nhiên mọi người đã chuẩn bị cho lễ hội này từ trước rất lâu. Và sau đây là cách trải nghiệm tối đa Lễ hội Trung thu rộn ràng này.
Nguồn gốc của Tết Trung Thu
Tết Trung thu có nguồn gốc từ Trung Quốc và được tổ chức ở nhiều nước châu Á, tuy nhiên phiên bản Việt Nam lại có truyền thuyết và truyền thống riêng.
Chắc hẳn, đứa trẻ Việt Nam nào cũng từng được kể về chú Cuội vì bám vào cây đa thần mà bay tít lên cung trăng cùng với nó. Để mỗi đêm trăng tròn, nếu bạn nhìn kỹ có thể thấy bóng chú Cuội ngồi dưới gốc cây, mong ngóng ngày trở về hạ giới. Chính vì vậy, trẻ em rước đèn lồng rực rỡ vào đêm Trung thu để soi đường cho Cuội từ mặt trăng về trái đất.
Cùng thời điểm này, cũng là vụ mùa thu hoạch của người làm nông dân. Lễ thu hoạch vào mùa Tết Trung Thu đánh dấu một dịp vui khi công việc đã hoàn thành và có thời gian dành cho những người thân yêu.
Không khí nhộn nhịp chuẩn bị cho Tết Trung Thu
Trong những tuần trước Tết Trung Thu, bạn sẽ nghe thấy tiếng trống hò reo của các nhóm biểu diễn lân, rồng. Các quầy bánh trung thu xuất hiện ở mọi ngóc ngách, nổi bật với những chiếc hộp được trang trí cầu kỳ chứa đầy đủ loại bánh với các vị gây tò mò.
Các quận trong thành phố chung tay chuẩn bị đồ chơi, đèn lồng, mặt nạ đầy màu sắc để đón chào các bạn nhỏ. Chiếc đèn lồng Trung Thu phổ biến nhất mang hình ngôi sao năm cánh được làm bằng giấy bóng kính màu đỏ. Không khó để thấy những chiếc đèn lồng này được bày bán trên khắp các đường phố ở Việt Nam trong những ngày trước lễ hội.
Những chiếc bánh trung thu gây tò mò
Trên khắp Việt Nam, các gia đình đón Tết Trung Thu bằng cách bày mâm ngũ quả và bánh ngọt lên bàn thờ tổ tiên để thờ cúng trước. Sau đấy là đêm hội phá cỗ của những đứa trẻ dưới ánh trăng.
Bánh trung thu – hình tròn hoặc hình vuông, và được đúc với các chi tiết hoa, cá chép, ông trăng hay các họa tiết tinh xảo cầu kỳ.
Hai loại phổ biến nhất là bánh dẻo (có độ dẻo, mềm, kết cấu mochi) và bánh nướng (bánh nướng có vỏ từ bột mì chắc, dày). Bánh trung thu ở Việt Nam có vô số hương vị, cả ngọt và mặn làm từ đa dạng các nguyên liệu thơm ngon. Hãy lựa chọn một hộp bánh trung thu để thưởng thức hoặc chia sẻ với bạn bè và người thân của mình.
Lễ hội ánh trăng
Vào đêm trăng tròn, trẻ em tụ tập với những chiếc đèn lồng rực rỡ tạo thành những đám rước rộn rã và hát vang khi đi dọc khu phố của mình.
Bạn sẽ thấy vài người đeo chiếc mặt nạ hình tròn có khuôn mặt vui vẻ tượng trưng cho mặt trăng. Người này có nhiệm vụ thúc giục đội lân tiếp tục múa và khiến đám đông thích thú bằng những động tác hài hước của mình. Đây là Thần Đất, hay còn gọi là Ông Địa, người đại diện cho sự viên mãn của trái đất và nhắc nhở chúng ta luôn biết ơn về điều đó. Ông Địa luôn mang lại niềm vui và nụ cười trên khuôn mặt mỗi đứa trẻ Việt Nam.
Múa sư tử/ Múa lân
Múa sư tử, hay còn gọi là múa lân là một phần không thể thiếu của lễ hội Trung thu. Trẻ em tụ tập lại, mỗi nhóm cầm một chiếc đèn lồng đỏ. Mọi người cùng hát theo những bài hát Trung thu vui tươi đã thuộc lòng từ nhỏ. Sự phấn khích lên đến đỉnh điểm khi tiếng trống vang lên dồn dã trên mọi con phố. Một con lân ‘thần thoại’ lao vào sân nhà, cái đầu khổng lồ và cơ thể uốn lượn của nó được một đội vũ công biểu diễn uyển chuyển.
Các vũ công tiến gần hơn đến đám đông, khiến bọn trẻ la hét và cười giòn bởi những trò hề của họ. Dưới ánh trăng tròn, cơ thể đính các vẩy màu đỏ của sư tử lấp lánh khi nó nhảy múa. Đối với trẻ em Việt Nam, không gì có thể sánh bằng màn trình diễn ngoạn mục này trong đêm Trung Thu.
Địa điểm tổ chức Tết Trung thu ở Việt Nam
Hà Nội
Nếu bạn có dịp ở Hà Nội trước Tết Trung thu, hãy ghé thăm Hàng Mã và Lương Văn Can. Những con phố này sẽ tràn ngập các loại đồ chơi và đèn lồng. Một địa chỉ khác là 87 Mã Mây, nơi bạn có thể xem các nghệ nhân địa phương chuẩn bị đồ thủ công cho lễ hội. Vào đêm Trung thu, Nhà hát Tuổi trẻ đường Ngô Thì Nhậm và Cung Thiếu nhi đường Lý Thái Tổ là nơi tổ chức các chương trình văn nghệ thiếu nhi.
Hội An
Hội An luôn nổi tiếng với lễ hội rằm quanh năm. Vào dịp Trung thu, phố cổ ven sông này sẽ tổ chức bữa tiệc thịnh soạn hơn cả. Người dân địa phương và du khách cùng nhau tụ họp về Phố cổ. Các vũ công và đội trống diễu hành trên đường phố, biểu diễn trước các ngôi chùa và cơ sở kinh doanh. Âm nhạc vang vọng và trò tiêu khiển dọc bờ sông Thu Bồn thu hút một lượng lớn khách du lịch ghé thăm.
Thành phố Hồ Chí Minh
Khu vực Chợ Lớn ở Thành phố Hồ Chí Minh là nơi diễn ra lễ hội Trung thu sôi động. Dừng chân ở phố Lương Như Hộc nổi tiếng với đèn lồng, mặt nạ và đầu sư tử được bày bán ngập vỉa hè. Đây là nơi hoàn hảo để mua một chiếc đầu sư tử làm quà lưu niệm. Cửa hàng ở 109 Triệu Quang Phục là nơi cung cấp đầu lân cho những đội lân chuyên nghiệp nhất thành phố trong 5 thập kỷ qua.
(Nguồn tham khảo: https://vietnam.travel/things-to-do/vietnams-magical-mid-autumn-festival )