Vẻ đẹp của chuyến du lịch không chỉ là sự kết nối giữa bạn với địa điểm đó, mà còn nằm ở việc bạn có khiến nơi đó trở nên tốt đẹp hơn không? Có nhiều cách du lịch mà bạn có thể hỗ trợ các cộng đồng nhỏ, bảo tồn lối sống địa phương và tôn trọng môi trường. Và đây là một số lời khuyên giúp bạn khám phá Việt Nam xinh đẹp và đồng thời có những đóng góp có ý nghĩa.
Tham gia các chuyến du lịch đóng góp cho địa phương
Trên khắp Việt Nam, bạn dễ dàng tìm thấy các tour du lịch đóng góp cho địa phương, được cung cấp bởi những nhà lữ hành có kết nối với cộng đồng địa phương, và khách hàng của họ hướng đến những khách du lịch có ý thức.
Ở Vịnh Hạ Long bạn có thể tham khảo những công ty như Bhaya Cruises và YESD tour, những công ty điều hành các hoạt động bền vững trong vịnh và góp phần dọn dẹp thường xuyên.
Ở Sapa, có Sapa Sisters – một doanh nghiệp xã hội hoàn toàn do phụ nữ dân tộc H’Mông điều hành và ETHOS – một chủ lao động của người dân tộc thiểu số, là hai lựa chọn tuyệt vời nếu bạn đang tìm kiếm những hướng dẫn viên hiểu rõ các cung đường mòn.
Nếu bạn đang ở Đà Lạt, hãy tự thưởng cho mình một chuyến tham quan trang trại cà phê K’Ho – một hợp tác xã hỗ trợ hơn 50 nông dân dân tộc K’Ho và gia đình họ.
Đặt homestay của người bản địa
Homestay không chỉ cho bạn tiếp cận gần gũi với văn hóa địa phương mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ cộng đồng, đặc biệt là ở các vùng nông thôn và vùng sâu vùng xa của Việt Nam. Chủ homestay người Việt Nam được biết đến là những người vô cùng hào phóng. Họ sẽ vui vẻ tổ chức những chuyến tham quan khó quên và những buổi workshop thân mật cho bạn, từ đó góp phần thu nhập cho cả làng.
Tại đồng bằng sông Cửu Long, Mekong Rustic cũng đi theo mô hình này, cho phép nông dân và thợ mộc đón khách vào nhà riêng của họ.
Tại làng nông thôn Thôn Tha, Hà Giang, Mr. Thiện Homes giúp du khách tiếp xúc với văn hóa dân tộc Tày bằng những kỳ nghỉ phong phú trong ngôi nhà sàn truyền thống.
Tôn trọng phong tục Việt Nam
Nhìn chung, Việt Nam vẫn là một quốc gia có nhiều luật lệ. Vì vậy, bạn nên thể hiện sự tôn trọng văn hóa Việt Nam bằng cách tuân theo các nguyên tắc địa phương trong khi bạn ở đây. Khi viếng thăm đền, chùa hãy đảm bảo mặc đồ kín đáo che chắn chân tay, và không đội mũ. Khi vào nhà ai đó, đừng quên cởi giày ra nhé! Điều này sẽ để lại ấn tượng tốt cho chủ nhà, thể hiện rằng bạn tôn trọng họ và muốn giữ sạch sẽ không gian của họ. Ngoài ra, mỗi gia đình và cơ sở kinh doanh của người Việt đều có một bàn thờ là nơi thờ cúng thường xuyên. Chú ý không nên che chắn hoặc để đồ đạc trước bàn thờ vì người Việt Nam cảm thấy như vậy là không tôn trọng tổ tiên và thần linh.
Ăn như người địa phương
Ăn uống cùng những người bạn Việt Nam luôn là một trải nghiệm vui vẻ. Mọi người có xu hướng ăn theo kiểu gia đình, bày một mâm nhiều món để mọi người cùng chia sẻ. Điều này cho phép mọi người thử mỗi thứ một ít.
Hãy đề nghị múc cơm cho người khác và đặt đĩa ở nơi mọi người có thể với tới. Dùng đũa để gắp những thức ăn bạn muốn từ đĩa chung. Sau khi ăn, hãy đặt đũa cạnh bát, đừng bao giờ cắm nó vào chén cơm.
Người Việt Nam coi trọng việc sử dụng tay phải trong giao tiếp xã hội hơn. Ví dụ, khi được mời nâng cốc chúc mừng, hãy cầm đồ uống của bạn bằng tay phải; Ngoài ra, hãy chuyền đồ đạc bằng tay phải của bạn. Bất cứ khi nào có thể, hãy ủng hộ ẩm thực bản địa để cùng hỗ trợ nông dân và nhà sản xuất thực phẩm địa phương, đồng thời mang đến cho bạn hương vị thực sự của điểm đến.
Mua quà lưu niệm địa phương
Nếu bạn thích mua sắm, Việt Nam sẽ mang đến cho bạn nhiều cơ hội để mua những món hàng đẹp tinh xảo, cũng như hỗ trợ các nghệ nhân và thợ thủ công địa phương. Đồ sơn mài, gốm sứ và dệt may đều là những món quà lưu niệm tuyệt vời mà bạn sẽ tìm thấy ở đây. Hãy để ý tới những sản phẩm thủ công do các doanh nghiệp địa phương tạo ra, như một cách dễ dàng để đóng góp cho nền kinh tế địa phương.
Cửa hàng Indigo Cat ở Sapa hỗ trợ các dân tộc thiểu số bằng cách bán các loại vải dệt truyền thống đẹp mắt được tạo ra bằng thuốc nhuộm chàm, thêu và batik. Reaching Out Ceramics ở Hội An bán những bộ ấm trà bằng gốm sứ trang nhã giúp bạn thưởng thức trà tại nhà thêm ngọt ngào, tất cả đều do người khuyết tật làm. Bằng cách mua sản phẩm này đảm bảo họ nhận được thu nhập bền vững và công việc có ý nghĩa.
Tìm hiểu và bảo tồn văn hóa
Bạn có biết Việt Nam có hàng trăm làng nghề? Tham quan các làng nghề truyền thống là một cách tuyệt vời để nhìn ngắm làng quê Việt Nam thanh bình và góp phần bảo tồn những giá trị văn hóa phong phú của đất nước.
Zó Project sẽ đưa bạn đến làng nghề làm giấy truyền thống ở huyện Hòa Bình, nơi lưu giữ tinh hoa của nghề làm giấy Việt Nam.
Những người yêu thích gốm sứ phải ghé thăm Bát Tràng, làng gốm sứ nổi tiếng nhất Việt Nam, nơi bạn có thể tìm được những chiếc bình tráng men đẹp mắt đầy màu sắc với đa dạng hình dáng và kích cỡ.
Còn nều đến những ngôi làng gần Huế, hãy tìm hiểu làng nghề thủ công nổi tiếng như làm nhang và tranh điêu khắc gỗ.
Khởi hành và thách thức mọi giới hạn
Còn nhiều hòn đảo, thị trấn biên giới và cộng đồng dân tộc xa xôi của Việt Nam vẫn chưa được biết đến, đây là những nơi thú vị để ghé thăm. Khi đến những điểm đến ít được biết đến hơn sẽ cho bạn một kỳ nghỉ mang giá trị chân thực hơn, tách xa những điểm đến xô bồ khách du lịch.
Bạn đang tìm kiếm thiên nhiên và ruộng bậc thang? Hãy ngủ lại một nhà dân ở Pù Luông. Bạn đang háo hức để nhìn thấy sông Mê Kông? Dành trọn vẹn vài ngày tại vùng đất Cái Bè xinh đẹp. Bạn sẵn sàng để tận hưởng biển khơi? Chọn cho mình một vị trí thoải mái trên bãi cát Quy Nhơn. Đơn giản vậy đấy!
Sự hứng khởi là nguyên nhân và động lực thúc đẩy cho những chuyến đi của bạn đó. Có rất nhiều lựa chọn thay thế cho những địa điểm nổi tiếng, ở đó, chỉ cần nỗ lực thêm một chút, bạn có thể có những góc yên ả cho riêng mình. Và bằng cách này, những giá trị của bạn sẽ trực tiếp đến tay những cộng đồng địa phương, ngay cả lượng khí thải carbon của bạn sẽ không còn đáng kể nữa. Bạn hiểu ý chính ở đây chứ?
(Nguồn tham khảo: https://vietnam.travel/things-to-do/how-travel-responsibly-vietnam )